Báo giá/Hợp tác

Thị trường tín chỉ Carbon là gì?

Ngày đăng: 29/11/2024
Đăng bởi: Admin

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thị trường carbon đã trở thành một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cùng ETM tìm hiểu khái niệm và lợi ích của thị trường tín chỉ Carbon trong nội dung dưới đây!

Tín chỉ Carbon là gì?
Thị trường tín chỉ Carbon là gì?
Cách thị trường tín chỉ Carbon hoạt động
Lợi ích của thị trường tín chỉ Carbon
Các thị trường Carbon tiêu biểu
Việt Nam dự kiến vận hành sàn giao dịch tín chỉ Carbon thí điểm năm 2025

Tín chỉ Carbon là gì?

Tín chỉ carbon là giấy phép đại diện cho quyền phát thải một lượng khí nhà kính, thường tính bằng tấn carbon dioxide tương đương (tCO2e). Mỗi tín chỉ cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí nhà kính tương ứng vào khí quyển. Mục tiêu chính là khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thị trường tín chỉ Carbon là gì?

Thị trường tín chỉ carbon là hệ thống giao dịch mà các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính. Mỗi tín chỉ carbon đại diện quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương của một loại khí nhà kính khác. Các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải vượt quá giới hạn cho phép và ngược lại. 

Cơ chế này tạo ra một thị trường khuyến khích đầu tư công nghệ sạch và các dự án giảm thiểu carbon. Mục tiêu cuối cùng là giảm tổng lượng khí thải toàn cầu, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Cách thị trường tín chỉ Carbon hoạt động

Thị trường tín chỉ carbon được hình thành dựa trên cơ chế cấp phép phát thải khí nhà kính, trong đó chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế sẽ phân bổ tín chỉ phù hợp cho mỗi doanh nghiệp. Số lượng tín chỉ này được xác định dựa trên mục tiêu giảm lượng khí thải chung của khu vực hoặc quốc gia. Ban đầu, các doanh nghiệp có thể nhận được tín chỉ miễn phí hoặc nhận thông qua đấu giá.

Tuy nhiên, tổng lượng tín chỉ sẽ giảm dần theo thời gian, tạo sự khan hiếm và đẩy giá lên cao. Quá trình này buộc các doanh nghiệp phải tìm cách giảm lượng khí thải để tiết kiệm chi phí hoặc có thể mua tín chỉ từ các doanh nghiệp khác. Qua đó, thị trường này đóng vai trò như một công cụ điều tiết hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Lợi ích của thị trường tín chỉ Carbon

Thứ nhất, thị trường tín chỉ carbon khuyến khích đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, tạo ra nguồn thu nhập mới cho các cộng đồng địa phương và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Thứ hai, cơ chế mua bán tín chỉ carbon tạo động lực cho các doanh nghiệp giảm thiểu lượng khí thải, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu chung về khí hậu.

Thứ ba, nhờ có thị trường tín chỉ Carbon, các quốc gia có thể tăng cường tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, sở hữu tín chỉ carbon, đặc biệt là tín chỉ carbon rừng, còn thể hiện cam kết của các tổ chức đối với sự phát triển bền vững, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Các thị trường Carbon tiêu biểu

Thị trường carbon đã và đang phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều quốc gia và khu vực. Liên minh châu Âu sở hữu EU ETS được coi là một trong những thị trường carbon lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới. Hệ thống này đã hoạt động hiệu quả, giảm lượng khí thải và tạo ra một cơ chế giao dịch minh bạch.

Bên cạnh EU, Trung Quốc cũng đã thành lập thị trường carbon quốc gia với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Sự ra mắt của thị trường carbon tỷ dân đã góp phần làm tăng quy mô và tầm ảnh hưởng của thị trường carbon toàn cầu.

Việt Nam dự kiến vận hành sàn giao dịch tín chỉ Carbon thí điểm năm 2025

Thực hiện theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Việt Nam đã đặt ra lộ trình rõ ràng để phát triển thị trường carbon. Từ năm 2025, nước ta sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Trong giai đoạn này, các quy định về quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải và các quy chế vận hành sàn giao dịch sẽ được hoàn thiện.

Đồng thời, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cũng sẽ được triển khai thí điểm tại các lĩnh vực tiềm năng, tạo tiền đề mở rộng ra toàn quốc. Đến năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động, kết nối với các thị trường carbon khu vực và quốc tế, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Lời kết

Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó xây dựng và phát triển thị trường carbon là một trong những trọng tâm. Với lộ trình rõ ràng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ hiệu quả để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

0923 392 868
Icon

ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG