Báo giá/Hợp tác

Khắc phục sự cố bơm trong hệ thống xử lý nước

Ngày đăng: 08/10/2024
Đăng bởi: Admin

Tầm quan trọng của bơm trong hệ thống xử lý nước

Trong một hệ thống xử lý nước, bơm đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển và duy trì dòng nước chảy liên tục trong suốt quá trình vận hành của hệ thống. Do vận hành gần như liên tục nên trong quá trình sử dụng, việc xảy ra hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Một số lỗi đơn giản người vận hành có thể tự khắc phục được, tuy nhiên với những lỗi phát sinh từ các bộ phận chính trong bơm thì bắt buộc phải có chuyên viên kỹ thuật có chuyên môn mới có thể xử lý được.
Trong phạm vi bài viết này, công ty môi trường ETMJSC sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu về các lỗi phát sinh trong quá trình bơm nước vận hành và phương án khắc phục sự cố bơm triệt để nhất.
 
Tổng hợp lỗi về bơm trong hệ thống xử lý nước thải và cách khắc phục
Hệ thống bơm nước tại trạm xử lý nước cấp Vân Đồn - Quảng Ninh

1. Máy bơm bị rò rỉ nước

  • Nguyên nhân:

Hiện tượng rò rỉ nước từ bơm thường do các vị trí khớp nối có gioăng không được xử lý kín hoàn toàn, việc này có thể xảy ra từ lúc lắp đặt, giăng bị lỗi, áp lực nước quá cao, vượt quá ngưỡng chịu đựng của bơm, hoặc do một thời gian dài sử dụng bị chai, nứt dẫn đến rò rỉ nước. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra do khoang chứa nước bỉ rỉ sét, làm thủng lớp thép. Trong trường hợp không xử lý kịp thời, nước có thể len lỏi vào các bộ phận có điện, gây chập cháy và rất nguy hiểm cho người vận hành. Trong thiết kế, có một số loại nước có hóa chất ăn mòn, rất dễ gây hự hại (thường gặp nhất là nước thải sản xuất).
  • Phương án khắc phục:

- Kiểm tra lại các đầu nối ống xem có bị rò nước không, nếu bị thì cần thay đoạn ống khác (Lưu ý việc dán keo phải kín và đều quanh ống).
- Nếu hiện tượng rò rỉ xảy ra tại các khớp nối có gioăng, cần kiểm tra lại bu lông, ốc vít đã siết chặt hay chưa, ngoài ra phải đảm bảo bề mặt tiếp xúc giữa khớp nối và gioăng phải nhẵn, mịn không gồ ghề. nếu đảm bảo các điều kiện trên, cần xem lại gioăng có bị chai, nứt hay rách không. Nếu hư hỏng thì tiến hành thay mới.
- Trường hợp khoang chứa nước bị thủng do gỉ sét, cần tiến hành vá lại vết thủng, sau đó sơn chống gỉ và chống thấm để đảm bảo bít kín được các vết hàn đã xử lý.
- Tiến hành che chắn hoặc bố trí bơm tại các nơi có mái che, hạn chế tối đa việc để bơm ngoài trời hoặc nơi có nhiệt độ quá cao trong thời gian dài.

2. Máy bơm bị rò điện

  • Nguyên nhân:

- Bị chạm lõi dây điện nguồn vào vỏ thân bơm;
- Cáp nối cuộn dây đến hộp đấu dây bị hở;
- Ngoài ra còn có thể do cuộn dây bị ẩm, lâu ngày lớp cách điện bị hư hỏng dẫn đến rò điện ra vỏ động cơ.
  • Phương án khắc phục:

- Kiểm tra đầu cấp nguồn điện xem có bị chạm vỏ hay không, nếu chạm thì tiến hành kẹp lại đầu cốt và siết chặt, đảm bảo cho không có đầu dây nào chạm vào vỏ;
- Kiểm tra cáp nối từ cuộn dây về hộp đấu xem có bị bong tróc vỏ hay hở lớp nhựa không, nếu có tiến hành bọc ghen cách điện hoặc thay đầu dây khác;
- Nếu xác định nguyên nhân rò điện do cuộn dây động cơ, phải tiến hành sấy khô và bọc cách điện.

3. Máy bơm nóng bất thường.

Thông thường động cơ khi chạy một thời gian nhất định sẽ phát nhiệt, tuy nhiên nếu bơm nóng bất thường thì phải dừng bơm lại và kiểm tra ngay một số vấn đề sau:
  • Nguyên nhân:

- Bạc trục bị bó do hoạt động thời gian dài mà không được bảo trì bảo dưỡng;
- Máy bơm bị kẹt cánh do dị vật vướng vào (đối với các dòng bơm chìm nếu trong nước có rác hoặc cặn lớn sẽ có thể gây kẹt cánh bơm gây nghẹt khiến bơm bị nóng);
- Sử dụng máy không đúng công suất hệ thống gây hiện tượng quá tải;
- Nguồn nước đầu vào quá yếu hoặc mất nước, bơm chạy liên tục không được giải nhiệt dẫn đến hiện tượng nóng;
- Đấu sai pha, khiến động cơ vận hành ngược chiều.
- Cuộn dây bị ẩm, hoặc được quấn bằng dây nhôm cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng bất thường.
  • Phương án khắc phục:

- Sử dụng lưới chắn rác để hạn chế tối đa lượng rác bị kẹt vào cánh bơm;
- Thường xuyên bảo trì bảo dưỡng bạc trục hoặc thay thế nếu bị mòn hoặc bó;
- Đảm bảo việc đấu nguồn điện đúng pha tránh hiện tượng động cơ vận hành ngược chiều;
- Thay thế máy bơm có công suất phù hợp với hệ thống nếu đã kiểm tra và chắc chắn rằng loại trừ được các nguyên nhân còn lại.

4. Máy bơm phát ra tiếng kêu "o o" bất thường.

  • Nguyên nhân: 

- Do ổ bi hoặc bạc đạn bị gỉ sét;
- Đặt bơm tại các vị trí góc tường, nơi tạo nên sự cộng hưởng khiến cho tiếng kêu lớn hơn so với bình thường;
- Do mất nước, máy bơm hoạt động trong tình trạng không có nước.
  • Phương án khắc phục:

- Thay ổ bi hoặc bạc đạn nếu bị rơ, mòn;
- Đặt bơm cách xa tường hoặc nơi thông thoáng, tránh để nơi ẩm thấp, chân đế lắp máy bơm phải cố định chặt;
- Đảm bảo nguồn nước luôn luôn ổn định, có thể lắp thêm hệ thống mạch ngắt khi nguồn nước yếu hoặc không đảm bảo cho máy bơm hoạt động.

5. Bơm vào điện nhưng không chạy và có mùi khét

  • Nguyên nhân:

- Do hỏng tụ điện;
- Máy bơm bị kẹt do rác hay dị vật gây cháy cuộn dây;
- Mất pha nguồn điện;
- Phao điện hỏng hoặc hoạt động sai lệch do lúc lắp đặt;
- Nguồn điện yếu hơn so với tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà sản xuất;
- Cuộn dây bị cháy.
  • Phương án khắc phục:

- Thay tụ điện nếu tụ điện bị khô hoặc phù, nổ;
- Đảm bảo không có rác thải bị kẹt trong cánh bơm hoặc buồng bơm;
- Khắc phục sự cố mất pha của đường điện, kiểm tra phao điện;
- Đảm bảo nguồn điện ổn định;
- Quấn lại cuộn dây nếu bị cháy.

6. Bơm chạy nhưng không lên nước

  • Nguyên nhân:

- Do nguồn nước không đủ lưu lượng để máy bơm hút nước lên;
- Đường ống dẫn nước bị hở hoặc vỡ trong quá trình sử dụng;
- Do hở van 1 chiều hoặc không được mồi nước;
- Phớt máy bơm bị hở, hoặc do lò xo nén của phớt bị han gỉ gây mất tác dụng của phớt;
- Cánh bơm bị vỡ do va vào dị vật cứng.
  • Phương án khắc phục:

- Kiểm tra lại nguồn nước;
- Nếu nguyên nhân do van 1 chiều thì tiến hành thay van mới;
- Thay phớt hoặc lò xo nén của phớt nếu bị hỏng;
- Mồi thêm nước nếu lượng nước trong ống không đủ;
- Kiểm tra đường ống, nếu đường ống bị vỡ hoặc rò thì tiến hành thay ống mới.
- Thay cánh bơm phù hợp nếu cần thiết.

7. Nhảy CB trong tủ điện

  • Nguyên nhân:

Do máy bơm quá tải, quá trình hoạt động bị chập do rò nước, dòng điện tăng cao do mất pha dẫn đến CB bị nhảy. thậm chí máy bơm sẽ bị cháy cuộn dây và bốc khói khi không có thiết bị bảo vệ.
  • Phương án khắc phục:

Tủ điện phải được thiết kế có thiết bị chống quá tải, quá áp. Đảm bảo hệ thống điện không bị mất pha.
Khắc phục sự cố bơm trong hệ thống xử lý nước
 

Một số lưu ý khi vận hành bơm trong hệ thống xử lý nước.

  • Cần đảm bảo máy bơm được bảo trì bảo dưỡng thường xuyên;
  • Đảm bảo nguồn nước và nguồn điện luôn ổn định;
  • Lựa chọn đường kính của đường ống phù hợp với khuyến cáo nhà sản xuất (thường đầu vào là 34mm và đầu ra là 27mm);
  • Nếu nguồn nước quá sâu, chúng ta nên sử dụng bơm li tâm, mồi đủ nước và sử dụng van 1 chiều để máy hoạt động ổn định.
  • Đối với các hệ thống xử lý nước thải, cần đảm bảo tách hết rác thải ngay tại đầu vào của bể điều hòa;
  • Với những máy bơm có công suất lớn, cần dùng khởi động từ để đảm bảo an toàn cho động cơ khi quá tải. Đối với những máy bơm này nếu dùng phao điện đóng mở lâu ngày sẽ gây hiện tượng mo-ve làm chập cháy tiếp điểm;
  • Nếu là bơm tăng áp, cần đảm bảo đường ống kín hoàn toàn, nếu đường ống bị hở, rơ le đóng mở liên tục gây nên hiện tượng mo-ve dễ gây hư hỏng cho động cơ;
  • Nguồn nước không ổn định, cần lắp thêm bộ cảm biến vào đường ống để ngắt bơm khi không có nước.
Trên đây là một số lỗi cơ bản về bơm trong hệ thống xử lý nước cấp, xử lý nước thải mà ETM chia sẻ để các bạn có cái nhìn khái quát và có thể tự khắc phục một vài trường hợp đơn giản ngay tại hiện trường. Ngoài ra với các lỗi khó, chúng tôi có cung cấp dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, thay thế sửa chữa bơm và vác thiết bị môi trường. Nếu cần tư vấn hỗ trợ khắc phục sự cố bơm trong hệ thống xử lý nước, các bạn vui lòng liên hệ hotline 0923 392 868 để được giải đáp.
 
0923 392 868
Icon

ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG